Cách nào giúp trẻ tăng chiều cao nhanh hơn?
Thật sự tôi đang rất lo lắng, sợ cháu sẽ thấp còi. Mong bác sĩ cho tôi lời khuyên để cải thiện tình hình của cháu. (Nguyễn Loan)
Trả lời
Chào bạn,
Bình thường, khi bé 3 tuổi (36 tháng) đến 4 tuổi (48 tháng) thì mỗi tháng chiều cao tăng 0,6-0,7 cm, trung bình một năm tăng 7-7,5 cm. Hiện tại, cân nặng của bé nhà bạn đạt chuẩn, nhưng chiều cao thiếu nhiều, đặc biệt trong năm vừa rồi bé lên 2 cm là quá chậm.
Ảnh minh họa: Youtube. |
Sự phát triển chiều cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó: chế độ dinh dưỡng chiếm 32%, di truyền 23%, tập luyện thể lực 20% và các yếu tố khác như môi trường sống, giấc ngủ, bệnh tật… Tuy bạn đã cho bé đi khám và được bổ sung nhiều khoáng chất nhưng việc thực hiện chế độ dinh dưỡng là quan trọng nhất. Bạn cần cho bé khẩu phần ăn đa dạng, trong đó chú ý đến các chất dinh dưỡng quan trọng giúp tăng chiều cao như:
- Các chất đạm (còn gọi là protein) rất cần để cơ thể tăng trưởng và phát triển. Thực phẩm chứa nhiều đạm là thịt, cá, trứng, sữa, tôm, đậu đỗ.
- Canxi là khoáng chất quan trọng trong xương (chiếm 99%), khiến cho xương vững chắc và giúp phát triển chiều cao. Thức ăn có nhiều canxi như sữa, cá, tôm, tép, tôm, cua… đặc biệt sữa có hàm lượng canxi cao và dễ hấp thu.
- Vitamin A rất cần thiết cho sự tăng trưởng, giúp hình thành khung xương… Vitamin A có nhiều trong gan các động vật, cá, bò, lợn, dê, sữa, lòng đỏ trứng, rau lá xanh đậm, củ quả chín có màu đỏ, vàng như cà rốt, gấc, đu đủ, xoài chín, cam, đào…
- Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi, giúp tăng tổng hợp chất protein chuyên chở canxi trong máu. Vitamin D có ở dầu gan cá thu, sữa, bơ, phô mai, trứng, gan, tôm… đặc biệt cho trẻ tắm nắng hàng ngày giúp da tự tổng hợp vitamin D.
Ngoài chế độ ăn uống, bạn nên giúp bé tăng cường hoạt động như cho bé chạy nhảy, chơi đùa, đi xe đạp của bé… Buổi tối cho bé đi ngủ trước 22h để cơ thể tiết ra nhiều hoóc môn tăng trưởng giúp bé phát triển chiều cao.
Bạn cũng nên kiểm tra xem sức khỏe của bé thế nào. Trong thực tế nếu bé mắc các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, bệnh hô hấp, bệnh dạ dày, bệnh đường ruột… đòi hỏi điều trị kéo dài hoặc không kịp thời cũng làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của bé.
Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi
Phòng khám dinh dưỡng, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội
Nguồn: http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/cach-nao-giup-tre-tang-chieu-cao-nhanh-hon-3148950.html